Ủy ban nhân dân phường Tây Sơn tổ chức hội nghị triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 12/9/2024 của UBND thành phố Tam Điệp và Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 20/9/2024 của UBND Phường Tây Sơn về xây dựng và triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Tây Sơn.
Nhằm góp phần xây dựng văn minh đô thị, vấn đề giải quyết thực trạng phát sinh từ rác thải, thì việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong các giải pháp tối ưu và đã được kiểm chứng tính hiệu quả tại nhiều nơi trên thế giới. Tại khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân trên cả nước phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.
Chiều ngày 20 tháng 9 năm 2024, UBND phường Tây Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Thúy, Phó chủ tịch UBND phường chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị có các đ/c lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ VN phường, các tổ chức chính trị - xã hội phường; trưởng các ban, ngành của phường; Công an phường; Ban chỉ huy Quân sự phường; Trạm y tế phường; cán bộ, công chức phường và các đồng chí Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn phường.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm và nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động làm phát sinh rác thải sinh hoạt và các cơ sở thu gom, vận chuyển có liên quan. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo 3 nhóm như:
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế thì các gia đình thu gom, đựng chung vào một vật dụng chứa rác (thùng hoặc túi nilon đựng rác màu cam hoặc sọt, bao tải có dấu hiệu nhận biết) để hộ gia đình bán lại trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, cơ sở tái chế hoặc bỏ đi thông qua mạng lưới đơn vị thu gom thường xuyên bao gồm giấy, nhựa, kim loại, cao su, thủy tinh…;
Chất thải thực phẩm thu gom chung vào một vật dụng chứa rác (thùng hoặc túi nilon đựng rác màu xanh) để tận dụng tối đa làm thức ăn chăn nuôi, chế biến làm phân hữu cơ tại gia đình hoặc được chuyển giao cho đơn vị thu gom để vận chuyển đến Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình thực hiện xử lý;
Chất thải rắn sinh hoạt khác gồm 03 loại thứ nhất là đối với Chất thải nguy hại: Thu gom, đựng chung vào vật dụng chứa rác (thùng hoặc túi nilông màu đỏ hoặc sọt, bao tải có dấu hiệu nhận biết) để chuyển giao cho đơn vị thu gom hoặc tự mang đến nơi tập kết chung tại địa phương (do UBND phường, xã quy định, bố trí và hàng năm UBND phường, xã thực hiện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện vận chuyển và xử lý theo quy định). Chất thải nguy hại gồm: Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, sơn, mực, chất kết dính, găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất, kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh, các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải, các loại pin, ắc quy thải… Thứ hai là đối với Chất thải cồng kềnh: Chủ nguồn thải thu gọn, giảm thể tích, kích thước rồi chuyển giao cho đơn vị thu gom mang đi luôn về nơi xử lý hoặc tự mang, vận chuyển đến nơi tập kết chung tại địa phương (do UBND các phường, xã bố trí) và sau đó đơn vị thu gom đến thu gom, vận chuyển đi xử lý theo quy định. Chất thải cồng kềnh gồm: tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm, cũ, hỏng,…, tủ sắt, khung cửa, cánh cửa,..; cành cây, gốc cây… Thứ ba là đối với Chất thải khác còn lại: Thu gom, đựng chung vào vật dụng chứa rác (thùng hoặc túi nilon đựng rác màu vàng hoặc sọt có dấu hiệu nhận biết) chuyển giao cho đơn vị thu gom vận chuyển đến Nhà máy chất thải rắn Ninh Bình để xử lý. Chất thải khác còn lại, gồm: Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu, … từ hoạt động sinh hoạt, chiếu cói; chiếu tre trúc, gối mây, tre…, lông gia súc, gia cầm, bã các loại cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, lõi ngô (cùi bắp)…, Chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình như lá, rễ, cành cây nhỏ, cỏ, hoa…, phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh…, tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang…, các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá…, bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ răng, vỏ thuốc, Giày, dép nhựa, thước kẻ, muôi (vá), thìa (muỗng) bằng nhựa, Bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng,…;Các loại nhựa thải khác, vỏ cứng các loài thuỷ, hải sản, Xỉ than từ hoạt động sinh hoạt..,Gốm, sành, sứ thải….
Các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn: Tổ chức thực hiện nghiêm việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình, cá nhân bắt đầu từ ngày 01/10/2024. Tự bố trí, trang bị các thiết bị phân loại (các thùng, túi, sọt chứa) đảm bảo cho công tác phân loại tại nguồn và vệ sinh môi trường; phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải để chuyển giao chất thải cho phù hợp; Tuyệt đối không được vứt, bỏ, tập kết rác thải không đúng nơi quy định. Thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chuyển giao rác thải sinh hoạt sau phân loại cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển theo quy định. Tập kết rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải tại nguồn đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình và hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú cùng thực hiện. Luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn, đảm bảo đúng quy cách và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý./.