Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 14.535 điểm cầu cấp huyện, cơ sở, các cơ quan, đơn vị, Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn trên toàn quốc; các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự. Tại Hội trường Diên Hồng, dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Quang cảnh tại Hội trường phường Tây Sơn
Chủ trì tại điểm cầu Thành phố Tam Điệp, có đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí UV BCH Đảng bộ thành phố; các đồng chí UV UB Kiểm tra Thành ủy; Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc; các đồng chí Trưởng, Phó trưởng các phòng, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể thành phố; báo cáo viên thành phố đang công tác tại cơ quan, đơn vị cấp thành phố.
Tại điểm cầu phường, có đồng chí Phạm Duy Thi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Quốc Quảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường; các đồng chí UV BCH Đảng bộ phường, Bí thư chi bộ trực thuộc, cấp trưởng, cấp phó MTTQ, tổ chức chính trị- xã hội, Tổ trưởng Tổ dân phố, Hiệu trưởng, các trường THCS, TH, MN trên địa bàn.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế"; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025"; trong đó đặc biệt nhấn mạnh những giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển. Đồng chí nhấn mạnh, ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân. Phát triển kinh tế cần gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát... thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đại hội đảng các cấp phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng tương đối công phu, kỹ càng, khoa học. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện trên. Tổng Bí thư yêu cầu, cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương Phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công... Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức. Tổng Bí thư đề nghị, từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp. Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương. Tập trung hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền nội dung Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Hội nghị sâu rộng hơn nữa, nhanh chóng đưa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương thành hành động cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình và có kết quả rõ rệt, cụ thể.